Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Vẫn còn xem nhẹ trang bị bảo hộ lao động

Công trường đang thi công
(Congannghean.vn)-Hầu hết các vụ tai nạn lao động gây chết người thường tập trung vào một số lĩnh vực như sản xuất VLXD, xây lắp công trình, các nhà máy chế biến có dây chuyền sản xuất phức tạp... Thực tế này đang đặt ra cho các ngành chức năng bài toán quản lý về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp.
*Xăng dầu tăng giá, làng cá khó khăn
*Người dân đang gửi tiền vào đất
*Người hiến máu phải... nộp tiền
Hiện trên địa bàn Nghệ An đã có 1 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và các cụm công nghiệp làng nghề với hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện để tỉnh trở thành điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Qua thống kê, Nghệ An hiện có 7.999 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 95%.
Hầu hết các vụ tai nạn lao động gây chết người thường tập trung vào một số lĩnh vực như sản xuất VLXD, xây lắp công trình, các nhà máy chế biến có dây chuyền sản xuất phức tạp... điều này phản ánh thực tế là nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh lao động là khôn lường.
Theo thống kê của ngành LĐTB-XH, năm 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn lao động, làm 2 người chết, 2 người bị thương nặng, giảm cả về số vụ và số người chết so với năm 2009.
Trong khi đó, số vụ tai nạn lao động trong các doanh nghiệp tuy giảm nhẹ (63 vụ, so với 70 vụ năm 2009) nhưng số người chết do tai nạn lao động tăng (7 người, so với 4 người năm 2009). So với năm 2009, số vụ tai nạn lao động giảm 10%; số vụ cháy nổ giảm 36%; số người bị thương nặng và thiệt hại tài sản giảm.
Tuy nhiên, thực tế này đang đặt ra cho các ngành chức năng của tỉnh bài toán quản lý về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp.

Cần chú trọng công tác ATVSLĐ ở các công ty, doang nghiệp
Tai nạn lao động không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà còn gây tổn thất đối với bản thân, gia đình người lao động, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội và gia đình người bị tai nạn lao động.
Ngoài nguyên nhân chính là người sử dụng lao động vi phạm quy định kỹ thuật về an toàn lao động, thì phần lớn nhận thức, ý thức tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ còn nhiều bất cập.
Mặc dù, các ban ngành liên quan hàng năm đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra và yêu cầu các cơ sở chấp hành đầy đủ nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ nhưng hiệu quả không như mong muốn.
Bà Hoàng Thị Hường - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp đã được chú trọng. Phần lớn các doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định về công tác bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, khắc phục các nguy cơ về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động tại các cơ sở còn thiếu và yếu. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ.
Công tác bảo hộ lao động, chưa trang bị đủ những dụng cụ, thiết bị bảo hộ an toàn lao động cho người lao động cũng như sự chăm lo sức khoẻ cho người lao động chưa được chú trọng.
Ý thức, nhận thức của người lao động trong việc ký kết hợp đồng lao động, họ chưa thấy được những hệ luỵ xảy ra khi không quan tâm đến vấn đề ATLĐ của bản thân mình.
Phần lớn lao động làm việc tại các doanh nghiệp này là lao động nông nhàn, thời vụ, không được trang bị kiến thức cơ bản về ATVSLĐ.
Thêm vào đó, ở một số nơi chưa thành lập được bộ phận làm công tác bảo hộ lao động, do đó khi xảy ra sự việc gặp nhiều khó khăn trong khâu giải quyết.
Để thực hiện tốt hoạt động này, điều quan tâm nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nghĩa vụ trách nhiệm của người lao động và đặc biệt là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp tránh được các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động cũng như các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo vệ sinh lao động.

Kiểm tra ATLĐ ở Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh
Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để công tác ATVSLĐ được đảm bảo.
Các doanh nghiệp cần phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những khả năng tai nạn lao động cần đề phòng; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, bảo hộ lao động cho người lao động.
Kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm các quy định về pháp luật lao động hoặc để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng…
Với chủ đề "An toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp", Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN lần thứ 13 (từ ngày 20 đến 26/3/2011) tập trung vào việc nâng cao ý thức về an toàn lao động cho người lao động và các doanh nghiệp.
Đây là dịp kêu gọi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATVSLĐ- PCCN, nêu cao ý thức trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, qua đó góp phần hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét